“Xử lý” hay “Thanh lý”

Xin chào các bạn,
Lại là GreenHub cùng những “chiếc tips” nhỏ xinh cho một hành trình xanh đây!!

Mỗi khi “Ngày toàn quốc dọn dẹp nhà cửa” vào dịp cuối năm “ập tới”, đã bao giờ bạn tự hỏi, mình có nên vứt bỏ những món đồ trông đã rất cũ kỹ sau một (hoặc một vài) năm ở trong nhà hay chưa?

Những món đồ được dùng lâu ngày hoặc đã hiện diện quá lâu trong căn phòng có thể khiến chúng ta cảm thấy chán và muốn làm mới không gian. Tuy nhiên, thay vì “thanh lý” và kết thúc vòng đời của những món đồ nhìn thì cũ, nhưng vẫn còn giá trị sử dụng vào thùng rác, chúng ta hoàn toàn có thể “xử lý” chúng theo cách riêng.

Việc thải bỏ đồ cũ không đúng cách sẽ gây ảnh hưởng lớn tới môi trường sống xung quanh. Đặc biệt là những món đồ khó có thể phân hủy, gây ô nhiễm môi trường đất và nước. Chính vì vậy, một trong những nguyên tắc bạn cần lưu ý khi bỏ đồ cũ đó chính là phải đi đôi với nỗ lực giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Hay trước khi bỏ đi bất kỳ món đồ nào, bạn cũng cần phân loại chúng và đưa chúng về đúng nơi chúng sẽ được xử lý đúng cách.

Hãy cân nhắc về việc có tiếp tục sử dụng chúng nữa hay không, và tham khảo từ GreenHub một số gợi ý “xử lý” dưới đây đối với những món đồ cũ, để tiếp thêm chút niềm vui “dọn dẹp” nhà cuối năm, vừa tránh lãng phí, vừa góp phần vào việc bảo vệ môi trường nhé!


Cải tạo cho mục đích sử dụng khác:

Đối với những món đồ cũ đã hỏng, bị gãy, rơi mất và khuyết một vài bộ phận, và bạn lại không nỡ vứt bỏ chúng vì chúng đã gắn bó với bạn quá lâu? Hay chúng đi liền với một kỷ niệm mà bạn muốn nhớ mãi mỗi khi nhìn thấy đồ vật ấy? Bạn hoàn toàn có thể vận dụng óc sáng tạo để cho chúng một công dụng mới.

Bí kíp này có thể áp dụng cho rất nhiều đồ vật của bạn, ví dụ như quần áo, ấm, cốc, đồ nội thất,… Hãy cố gắng liên tưởng và tìm một sợi dây liên kết nào đó giữa đồ cũ và hình ảnh của thứ đồ mới mà bạn muốn “chế biến”, sau đó, dành thời gian lập kế hoạch và bắt tay vào thực hiện ngay thôi!

Chẳng hạn,
Bạn có thể tái chế những thanh gỗ không còn sử dụng để biến tấu thành những chiếc đèn chụp xinh xắn cho không gian gia đình mình. Sau đó sơn màu mà mình yêu thích để phù hợp với màu sơn của ngôi nhà.

Bạn cũng có thể tận dụng những chiếc cánh cửa gỗ cũ không còn sử dụng thành kệ hay giá sách đựng đồ. Trong trường hợp cánh cửa không còn màu sơn đẹp, bạn có thể sơn lại và dùng giấy nhám đánh cho mới.

Còn với quần áo thì sao? – Thật dễ dàng để tìm kiếm những ý tưởng tái chế quần áo cũ thành nhiều phiên bản khác nhau chỉ với cùng một lượng vải và vài đường may, cắt, vá. Hãy thử kiên trì và áp dụng ngay bạn nhé!


Tận dụng làm đồ trang trí:

Với lý do khá tương tự như việc làm mới những món đồ cũ, bạn cũng có thể tặng cho chúng “một thân phận mới”, nhưng vẫn ở trong căn nhà mình.

Để biến những đồ vật cũ thành đồ trang trí, bạn chỉ cần một chút khéo léo cho việc “cắt tỉa” chúng thành về hình dáng mong muốn, sau đó sơn sửa, dán lại bề mặt đồ vật (nếu cần). Vậy là bạn đã có được một vài điểm nhấn cực độc đáo, vừa lạ vừa quen cho góc nhà của mình rồi đó!


Bán đi hoặc tặng lại cho người khác:

Những đồ dùng đã cũ không chỉ là vật dụng, mà còn là những người bạn đồng hành. Và khi hành trình của bạn cùng đồ vật ấy kết thúc, bạn có thể bày tỏ sự biết ơn và tìm cho chúng một hành trình mới: quyên góp đối với những món còn tốt và phù hợp, hoặc bán lại hoặc trao đổi cho những người cần.

Với những món đồ vẫn còn đẹp, tốt bạn hoàn toàn có thể đem đến các cửa hàng thanh lý, give away để bán lại và thu về một khoản tiền nho nhỏ; hoặc bạn có thể tham gia các group trao đổi, tặng đồ cũ trên mạng xã hội để tìm được những chủ nhân thích hợp cho chúng.

Bên cạnh đó, hãy chọn lọc những món đồ vẫn còn sử dụng tốt, phân loại thành các nhóm theo chức năng/ thể loại và tìm trao cho những người phù hợp. Bạn có thể hỏi xem người thân hoặc bạn bè có muốn sở hữu món nào đó không và tặng nó cho họ, thay vì gửi đi một cách ngẫu nhiên những món đồ đã quá cũ/ sờn rách/ hỏng đến mức không thể “chữa lành” được nữa nha! Điều ấy sẽ cho thấy tấm lòng, tình yêu thương và tôn trọng của bạn đối với người được nhận đó!


Ngoài ra, hãy chia sẻ cùng GreenHub những tips mà bạn biết nha!