Tham gia đảm bảo chất lượng thực phẩm với Hệ thống PGS như nào?

Không chỉ tập trung tại địa phương, xây dựng trên nền tảng niềm tin, kết nối xã hội và trao đổi kiến thức, hệ thống đảm bảo chất lượng có sự tham gia (PGS – Participatory Guarantee System) còn khuyến khích hoặc thậm chí yêu cầu sự tham gia trực tiếp của người nông dân, người tiêu dùng vào quá trình cấp chứng nhận. Việc này giúp giảm tải các công việc ghi chép giấy tờ phức tạp – tinh giản quá trình vận hành đối với doanh nghiệp. Ngoài ra, áp dụng hệ thống PGS giúp doanh nghiệp nông nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo dựng lòng tin tới khách hàng, tăng doanh thu bán hàng đồng thời là công cụ hỗ trợ doanh nghiệp đạt đến các tiêu chuẩn khác nhau.

Dù bạn là ai, người sản xuất, vận chuyển hay tiêu thụ thực phẩm, bạn cũng sẽ là nhân tố thiết yếu trong hệ thống PGS bằng những cách sau đây:

1. Nếu bạn là hộ nông dân cá thể:

Bạn có thể đăng ký tham gia vào nhóm sản xuất bằng cách liên hệ với người lãnh đạo nhóm sản xuất trong khu vực của bạn:

Vai trò và nhiệm vụ chính của bạn trong hệ thống gồm:

  • Học các nguyên tắc và phương pháp canh tác theo tiêu chuẩn của nhóm sản xuất.
  • Tham gia tích cực vào các hoạt động bao gồm các cuộc họp nhóm, các hoạt động tập huấn, thanh tra,…
  • Cập nhật kế hoạch quản lý trang trại một cách thường xuyên.
  • Làm cam kết và nghiêm ngặt tuân thủ.
  • Cung cấp các sản phẩm và đảm bảo chất lượng sản xuất
  • Khuyến khích và giúp đỡ các nông dân khác tham gia PGS.

2. Nếu bạn là trưởng nhóm hoặc thành viên của nhóm sản xuất:

Nhóm sản xuất cần đảm bảo yêu cầu gồm ít nhất 5 hộ nông dân cùng khu vực.

Vai trò và nhiệm vụ chính của nhóm sản xuất trong hệ thống gồm:

  • Đáp ứng các hoạt động hỗ trợ cho các thành viên ( ví dụ: trong việc sản xuất hoặc quản lí sổ sách)
  • Thu thập các bản cam kết của thành viên và đảm bảo rằng các thành viên hiểu rõ về các tiêu chuẩn của PGS. 
  • Lập kế hoạch sản xuất của nhóm và tuyên truyền các sản phẩm của nhóm.
  • Tiến hành kiểm tra chéo định kỳ ( kiểm tra của thanh tra ) cho tất cả các thành viên nhóm.
  • Thúc đẩy các thành viên trong nhóm đạt được mục đích và mục tiêu của nhóm.
  • Đảm bảo tính công bằng và tránh xung đột quyền lợi giữa các thành viên.

3. Nếu bạn là nhà phân phối hoặc người tiêu dùng:

Bạn có thể tham gia vào hệ thống bằng việc phản hồi lại chất lượng sản phẩm thông qua tem truy xuất nguồn gốc. Hoặc bạn có thể lựa chọn trực tiếp tham gia vào liên nhóm, là nhóm gồm trưởng các nhóm sản xuất và các thành viên từ bên ngoài như người tiêu dùng, thương lái, quan chức địa phương, nhân viên các tổ chức phi chính phủ,…

Vai trò và nhiệm vụ chính của liên nhóm trong hệ thống PGS bao gồm:

  • Điều phối quá trình hoàn thành bản kế hoạch quản lí trang trại và bản cam kết của nông dân, đảm bảo rằng các thành viên hiểu rõ về tiêu chuẩn PGS.
  • Lưu giữ hệ thống dữ liệu và cập nhật hàng năm về hoạt động sản xuất của các thành viên. 
  • Điều phối, kiểm tra sổ sách, xem xét tài liệu tiến trình kiểm tra chéo của từng nhóm sản xuất
  • Có các động thái khi có gian lận hoặc sai phạm.
  • Điều phối kế hoạch sản xuất cho tất cả các nhóm trong liên nhóm và quảng bá các sản phẩm của liên nhóm. 
  • Thúc đẩy các thành viên liên nhóm đạt được các mục tiêu, mục đích của liên nhóm
  • Đảm bảo không có xung đột quyền lợi giữa các thành viên.
  • Hàng năm báo cáo tới nhóm điều phối PGS theo đúng quy định.  

4. Vậy hệ thống PGS có cấu trúc như nào?

Hệ thống PGS có cấu trúc đơn giản với 4 “đơn vị” chính gồm hộ nông dân, nhóm sản xuất, liên nhóm và ban điều phối PGS. Ban điều phối PGS gồm các cán bộ chuyên trách, tư vấn, giám sát, điều hành và quản lý các hoạt động lớn trong hệ thống.

Vai trò và nhiệm vụ chính của ban điều phối PGS:

  • Bảo vệ quyền lợi của các Liên nhóm, nông dân trong hệ thống
  • Phê chuẩn hướng dẫn vật tư đầu vào trong sản xuất để sử dụng trong thanh tra và trừng phạt. 
  • Duy trì và cập nhật tiêu chuẩn PGS cũng như các văn bản pháp lý liên quan
  • Tiếp nhận các đơn đăng kí từ các nhóm sản xuất mới và phân định tới Liên nhóm thích hợp. 
  • Hỗ trợ các nhóm sản xuất và các Liên nhóm cải tiến các thủ tục và hệ thống. 
  • Cấp chứng nhận chất lượng, truyền thông và quảng bá

Với cấu trúc tinh gọn và có sự tham gia kiểm tra chéo của nhiều bên liên quan trong quy trình đảm bảo chất lượng, hoạt động với nền tảng niềm tin, hệ thống PGS giúp nâng cao tính chủ động, trách nhiệm của người sản xuất. Họ cần tự quản lý, trung thực trong suốt quá trình cũng như tôn trọng tự nhiên và sức khỏe của người tiêu dùng.

Tiếp tục theo dõi dự án EFD để hiểu rõ hơn về hệ thống PGS cũng như các cách thức áp dụng nhé.

Nguồn tham khảo:

  1. Tài liệu kỹ thuật về PGS hệ thống cùng tham gia đảm bảo chất lượng do Rikolto/VECO tại Việt Nam và Ban điều phối PGS Việt Nam biên soạn.
  2. PGS – brochure Vietnam của IFOAM
  3. PGS – Cẩm nang hoạt động cho người sản xuất, ADDA và Hội Nông dân Việt Nam, 2009