PAN – Quỹ toàn cầu Coca-Cola

Tên dự án:
Hỗ trợ Mạng lưới hành động về Rác thải nhựa” và Kết nối các bên liên quan cho thực hiện 3R (Tiết giảm – Tái Sử dụng và Tái chế) tại Việt Nam
Địa điểm:
Thành phố Hạ Long, Tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam
Thời gian:
36 tháng (Tháng 8/2018 – Tháng 8/2021)

Tại Việt Nam cũng như Quảng Ninh, tình trạng quá tải và thiếu các bãi rác đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Tính đến năm 2014, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 14 bãi chôn lấp chất thải rắn (CTR) đang hoạt động, trong đó có 04 bãi chôn lấp hợp vệ sinh, 10 bãi chôn lấp tự nhiên không hợp vệ sinh, 01 lò đốt rác thải sinh hoạt hiện đang hoạt động xử lý rác cho khu vực thị trấn huyện Ba Chẽ (công suất 7 – 8tấn/ngàyđêm), 01 nhà máy xử lý chất thải bằng phương pháp đốt tại thành phố Uông Bí, 01 lò đốt xử lý rác thải sinh hoạt tại huyện Cô Tô (công suất 7,2 tấn/ngày đêm),01 nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và CTR công nghiệp tại thành phố Móng Cái (công suất 150 tấn/ngày đêm).

Hầu hết các bãi rác đều trong tình trạng quá tải hoặc sắp quá tải, nhiều bãi chôn lấp hình thành tự phát, không đảm bảo vệ sinh môi trường. Chất thải rắn đô thị chủ yếu được xử lý theo phương pháp chôn lấp, tỷ lệ thu gom chất thải rắn năm 2014 đạt 91,5%. Tổng lượng chất thải rắn đô thị phát sinh trên địa bản tỉnh Quảng Ninh khoảng 884 tấn /ngày. Tình trạng gia tăng chất thải rắn cùng với sự quá tải của nhiều bãi rác và thiếu các công trình xử lý hiện đang là một trong những nguyên nhân gây nên các vấn đề môi trường ở nhiều địa phương như: Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái.

Đối với CTR công nghiệp, theo tính toán khối lượng phát sinh trên địa bàn tỉnh năm 2015 là 370 tấn/ngày, dự báo đến năm 2020 là 425 tấn/ngày. Trên địa bàn tỉnh hiện chưa có khu xử lý CTR công nghiệp riêng, các doanh nghiệp trong công tác quản lý cũng đã thực hiện sơ bộ việc phân loại và chuyển giao cho các cơ sở thu mua để tái sử dụng. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp thực hiện thu gom và xử lý CTR công nghiệp (không nguy hại) cùng với CTR sinh hoạt thông qua các hợp đồng với các Công ty môi trường đô thị hoặc các cơ sở tư nhân thu gom và xử lý ở địa phương.

Từ năm 2007, Việt Nam đã được Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ nguồn vốn gần 49,5 tỉ đồng để thực hiện Dự án Sáng kiến ‘‘3R tại Hà Nội” (Giảm thiểu – Tái chế – Tái sử dụng chất thải). Dự án JICA mang tính chất thí điểm phân loại rác hữu cơ tại nguồn từ đó nhân rộng ra toàn thành phố và các địa phương khác. Ngoài Hà Nội, một số các tỉnh khác như Huế, Hội An, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng cũng đã triển khai mô hình 3R (Giảm thiểu – Tái chế – Tái sử dụng)  từ năm 2013, 2014 đến nay. Một trong những hạn chế trong công tác triển khai các dự án 3R là việc khó thay đổi thói quen xả rác không phân loại của cộng đồng và hệ thống thu gom, vận chuyển CTR chưa đồng bộ để thực hiện 3R, vì vậy việc phân loại rác tại nguồn chưa được thực hiện nghiêm chỉnh tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhiều nhà máy sản xuất phân vi sinh hiện nay còn gặp khó khăn trong việc sản xuất ra sản phẩm có chất lượng tốt do chất lượng đầu vào chưa đảm bảo. Do đó việc thực hiện khâu phân loại rác tại nguồn là vô cùng quan trọng, giúp tạo ra một nguồn cung ổn định và giảm thiểu chi phí đầu vào cho các nhà máy này. Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đô thị đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nêu rõ giảm thiểu CTR thông qua 3R là một trong những yêu cầu tất yếu tại Việt Nam và tất cả các ngành có liên quan phải có trách nhiệm đối với chương trình này. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 là90% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường, trong đó 85% được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ. Thực tế cho thấy, tại các tỉnh thành đã thí điểm phân loại rác tại nguồn thông qua 3R đã góp giảm từ 20% – 30% lượng rác đem đi xử lý.

Tại Quảng Ninh, nhằm góp phần giải quyết tình trạng quá tải của hệ thống quản lý CTR, tháng 12/2009 UBND tỉnh đã phê duyệt “Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”, đồng thời theo Quyết định số 1796/QĐ-UBND ngày 18/08/2014 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc phê duyệt “Đề án cải thiện môi trường tỉnh Quảng Ninh” cũng đưa ra danh mục các dự án ưu tiên trong quản lý và bảo vệ môi trường.

Trong bối cảnh đó, GreenHub xây dựng dự án PAN (Plastic Action Network)  nhằm hỗ trợ đề án “Nâng cao nhận thức về quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Mục tiêu chính của dự án PAN là thúc đẩy sự tham gia các bên liên quan thực hiện 3R, hình thành lối sống thân thiện với môi trường trên nền tảng nền tảng khoa học, lợi ích xã hội, và bền vững tại thành phố Hạ Long, và Vịnh Hạ Long, hướng tới nhân rộng áp dụng ở trên cấp quốc gia.

Các hoạt động:

Hợp phần 1. Thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương và thực hiện 3R

  • Tiến hành rà soát các bên liên quan tham gia vào việc quản lý chất thải nhựa, và tái chế tại Quảng Ninh và một số tỉnh lân cận.
  • Xây dựng nhóm làm việc/tổ công tác có sự tham gia của các bên liên quan và xây dựng một kế hoạch hành động Giảm Thiểu Ô Nhiễm Rác Thải Nhựa;
  • Tổ chức các cuộc họp tổ công tác/nhóm kỹ thuật và các buổi làm việc, đào tạo ngành công nghiệp nhựa, tái chế nhựa, khuyến khích học tập và chia sẻ các giải pháp thường xuyên về  Phương pháp tiết giảm, tái sử dụng và tái chế (3R) nhựa giữa các thành viên trong mạng lưới.
  • Xác định và huy động nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân, chính phủ và tìm kiếm nguồn tài chính từ các nhà đầu tư quốc tế để hỗ trợ 3R tại thành phố Hạ Long.

Hợp phần 2. Tái chế, thúc đẩy kinh tế, khởi nghiệp tại cộng đồng

  • Hình thành tổ thu gom tại một số khu vực được chọn của thành phố Hạ Long là “Nhóm hợp tác phụ nữ” [Hội phụ nữ + Các cá nhân thu mua phế liệu].
  • Tổ chức đào tạo và hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của tổ thu gom trong chuỗi cung ứng tái sử dụng/tái chế nhựa.
  • Hoạt động tiếp thị cho các sản phẩm nhựa tái chế.
  •  Tổ chức các cuộc đối thoại của Cộng đồng/Doanh nghiệp địa phương/cơ quan quản lý nhà nước để hỗ trợ tổ thu gom/tổ tái chế và tăng cường chuỗi cung ứng tái sử dụng / tái chế nhựa.

Hợp phần 3. Các giải pháp dựa trên công nghệ phù hợp với quy mô cộng đồng địa phương và kiến thức hành động dựa trên khảo sát.

  • Thực hiện nghiên cứu hiện trạng các nguồn chất thải nhựa tác động đến thành phố Hạ Long, liên kết với nghiên cứu Việt Nam và toàn cầu về tác động, phân phối và bán phá giá nhựa (phối hợp với các nhà khoa học của chính phủ Việt Nam từ CSIRO).
  • Tiến hành nghiên cứu chuỗi cung ứng các sản phẩm nhựa tái chế
    [liên kết đến hoạt động 2.4 và thành phần 2. Tái chế cộng đồng, trao quyền kinh tế, tinh thần kinh doanh].
  • Rà soát và huy động các công nghệ có sẵn cho các sáng kiến tái chế cộng đồng.
  • Thí điểm và trình diễn phương pháp tái chế nhựa sử dụng công nghệ đổi mới đảm bảo môi trường, phối hợp với REII và Đại học Bách Khoa tại Hà Nội.

Hợp phần 4. Tổ chức hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi

  • Xây dựng tài liệu, tư liệu truyền thông và phổ biến tuyên truyền.
  • Tiến hành các sản phẩm nghệ thuật có sử dụng nguyên liệu tái chế, để tăng nhận thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới Hạ Long với cộng đồng địa phương và khách du lịch; tổ chức Sự kiện làm sạch biển/vịnh hàng năm và tái chế chất thải/nhựa.
  • Hỗ trợ mô hình xưởng tái chế như một mô hình học tập để thúc đẩy 3R cho các nhóm thanh thiếu niên, trường học, trường đại học và người dân địa phương (liên kết với EKOCENTER ở Hạ Long).
  • Tổ chức toạ đảm chính sách/bàn tròn với đại diện các bên liên quan hiệu quả của việc thực hiện 3Rs và giảm thiểu các tác động do gia tăng CTR và cải thiện chất lượng môi trường trên địa bàn thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, chia sẻ kinh nghiệm với tỉnh khác.