Người giữ hồn của biển

 “Người giữ hồn của biển” – đó là cách chúng tôi gọi anh Vũ Hồng Hưng – chủ nhà hàng Ngọc Linh tại xã Phù Long, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng, sau khi được gặp gỡ và hợp tác cùng anh để giảm thiểu rác nhựa dùng một lần trong các doanh nghiệp du lịch. 

Vũ Hồng Hưng – chủ nhà hàng Ngọc Linh tại xã Phù Long, huyện Cát Bà, thành phố Hải Phòng

Anh Hưng luôn rất tâm huyết trong việc hạn chế tác động đến môi trường tại chính cơ sở của mình cũng như tại các điểm tham quan. Chỉ với gợi ý ban đầu từ GreenHub, anh đã chủ động thay thế chai nhựa dùng một lần, bộ sản phẩm nhà tắm bằng các sản phẩm có độ bền cao.

Anh Hưng đã chủ động thay các bình nước nhựa miễn phí cho khách bằng bình và cốc thủy tinh rất xinh xắn để khách chủ động dùng

Không chỉ là ông chủ nhiệt thành và cởi mở, anh Hưng còn là một hướng dẫn viên cho các tour du lịch có trách nhiệm và thân thiện với môi trường tại xã Phù Long. Với các hoạt động như cạy hà, đi bộ đường dài trong rừng, du ngoạn rừng ngập mặn, khám phá động Thiên Long,… anh Hưng vừa nhiệt tình giới thiệu cho khách tham quan, vừa hướng dẫn họ cách tương tác thân thiện và đóng góp cho thiên nhiên.  

Anh Hưng giới thiệu về công dụng của các loài cây trong rừng

Xuồng của chúng tôi lênh đênh trên dòng nước, ôm ấp bởi rừng ngập mặn xen kẽ rừng núi đá, đẹp như chúng tôi đang được ở miền Tây của đất nước. Anh say sưa giới thiệu với chúng tôi những loại cây san sát trong rừng, trên bờ: nào là cây vẹt thân thấp, quả được ướp với sứa rất ngon, vỏ dùng để nhuộm vải; nào là cây sú có hoa thơm được ong tìm đến hút mật, vỏ cây được đập ra trộn tro rải lên mặt nước để đánh bắt cá; nào là cây mắm khi hái quả và ngâm nước gạo qua đêm là thành đồ ăn; nào là những cây làm thức ăn và chỗ trú ấm cho tôm cua.  

Vẻ đẹp kết hợp của Ninh Bình và miền Tây của Phù Long

Anh Hưng chỉ cho chúng tôi bộ rễ chằng chịt của các loại cây ngập mặn đã giúp giữ con đê này đứng vững trước gió bão, bởi nếu không có chúng, mỗi năm xã sẽ phải tu bổ lại một lần để tránh trôi đất, sạt đê. Anh hướng dẫn du khách cách tham quan rừng ngập mặn với tinh thần: để lại dấu ấn của họ bằng cây, không để lại dấu ấn bằng rác. Những loại cây này có thể trồng bằng cách thả quả xuống bùn và cây tự mọc lên, từ đó tạo thêm các lớp rừng mới do chính tay du khách góp sức.   

Khách tham quan được phát đèn pin trước khi vào động và luôn được dặn dò về ý thức bảo tồn cũng như sự tôn kính khi vào trong động

Dẫn chúng tôi vào động Thiên Long tại điểm cuối của cung đường ven rừng ngập mặn, anh dắt đoàn tham quan vào những câu chuyện tâm linh huyền ảo, với một sự tôn kính với Sơn thần, Thủy thần, Thổ thần của động, và với một tinh thần khám phá mà không tàn phá. Anh chỉ cho chúng tôi những thạch nhũ mà du khách đã bẻ gãy với sự tiếc nuối, không quên chỉ cho chúng tôi cách đi, đứng, chạm nhẹ trong hang. Ấn tượng nhất với chúng tôi là khoảnh khắc anh biểu diễn một dàn trống, chiêng bằng cách gõ vào bức vách của động, truyền âm thanh như tiếng cồng, tiếng trống vang vọng nhạc điệu khắp không gian đầy kì ảo. Sự trân trọng và tương tác của anh với thiên nhiên đưa chúng tôi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, và khiến mỗi người trong đoàn học được thêm nhiều điều thú vị. 

Anh Hưng kể những câu chuyện gắn liền với sự hình thành của động Thiên Long với sự tôn kính và trân trọng Thần Linh nơi đây

Vẻ đẹp nguyên sơ của rừng ngập mặn ở Phù Long càng thêm đẹp, thêm tình khi có những người như anh. Nếu có cơ hội ghé qua Phù Long, bạn hãy tự mình kết nối với những con người bình dị và chan hòa ở nơi đây, cùng hòa mình và tôn trọng thiên nhiên, và đừng quên kể với chúng tôi những trải nghiệm của riêng bạn nhé.