Lễ công bố dự án “Tăng tốc phát triển kinh tế – xã hội và giảm nghèo đa chiều cho các dân tộc thiểu số ở Việt Nam giai đoạn 2020-2025” và “Diễn đàn Phát triển thích ứng Covid-19”.

Ngày 21/12 vừa qua tại Hà Nội đã diễn ra Lễ công bố dự án “Tăng tốc phát triển kinh tế – xã hội và giảm nghèo đa chiều cho các dân tộc thiểu số ở Việt Nam giai đoạn 2020-2025” “Diễn đàn Phát triển thích ứng Covid-19”.

Lễ công bố sáng 21/12 được tổ chức bởi Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Ủy ban Dân tộc (CEMA) và Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT). Tham dự chương trình có lãnh đạo một số Vụ, đơn vị của Uỷ ban Dân tộc, dự án Great, và đoàn đại biểu các địa phương như Lào Cai, Sơn La, Bắc Kạn và Đắk Nông,…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến và bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã ký kết văn kiện dự án.

Mục tiêu của dự án là tư vấn chính sách và hỗ trợ kỹ thuật cho Ủy ban Dân tộc và các tỉnh tham gia thực hiện mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giảm 50% số xã đặc biệt khó khăn vào năm 2025 và năm 2030 cơ bản không còn xã đặc biệt khó khăn.

Ứng dụng mô hình Phòng thí nghiệm tăng tốc (Accelerator Lab), lộ trình của dự án gồm hai phần: Giai đoạn 1 (2020 – 2025): Hỗ trợ xác định, thử nghiệm nhanh và áp dụng các giải pháp sáng tạo, đột phá và tích hợp trong giảm nghèo đa chiều và phát triển kinh tế – xã hội vùng DTTS tại 2 tỉnh Sơn La, Lào Cai. Giai đoạn 2 (2026 – 2030): Hỗ trợ nhân rộng các giải pháp sáng tạo, tích hợp, đột phát thành công cùng với các điều kiện cần và đủ để giảm nghèo đa chiều và phát triển kinh tế – xã hội.

Ông Đỗ Văn Chiến – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, ông Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, cho biết: Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một Chương trình Mục tiêu Quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. “Chỉ tính riêng tổng kinh phí dự kiến cho giai đoạn I (2021-2025) được Quốc hội phê duyệt ở mức tối thiểu là hơn 137 ngàn tỷ đồng, có thể nói là lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực công tác dân tộc”. Đây là sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Bà Caitlin Wiesen – Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết, thành tựu giảm nghèo của Việt Nam rất ấn tượng và được quốc tế công nhận. Dự án là cơ hội để các bên liên quan chia sẻ các kiến thức về các giải pháp sáng tạo, các điều kiện cần và đủ, tạo ra không gian thử nghiệm, tiếp thu, ứng dụng tiếp cận Phòng thí nghiệm tăng tốc cho các mô hình thành công cũng như trở ngại trong nhân rộng và thực thi phù hợp với điều kiện của các địa phương, góp phần tăng tốc giảm nghèo đa chiều và phát triển kinh tế – xã hội vùng DTTS.

Bà Robyn Mudie – Đại sứ Australia tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ

Bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam, cho biết: “Australia cam kết hợp tác với các đối tác để hỗ trợ công cuộc tăng trưởng bền vững và bao trùm của Việt Nam. Mối quan hệ đối tác UNDP-CEMA mà chúng tôi hỗ trợ và khởi động ngày hôm nay là một phần của cam kết dài hạn này nhằm đảm bảo rằng các giải pháp mới và sáng tạo trong xóa đói giảm nghèo được lồng ghép và nhân rộng trong chương trình và chính sách của Chính phủ vì lợi ích của người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn, bao gồm cả phụ nữ và nam giới thuộc các nhóm dân tộc thiểu số”.

Theo ông Chiến, triển khai dự án có những khó khăn nhất định: 

Thứ nhất, dự án triển khai trong bối cảnh Covid-19 bùng phát đã tác động nặng nề đến phát triển kinh tế, ảnh hưởng đến quá trình thực hiện. 

Thứ hai, năng lực trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, cơ quan công tác từ Trung ương đến địa phương còn hạn chế.

Thứ ba, lượng vốn của chương trình rất lớn, cụ thể trong trong giai đoạn I (2021 – 2025) là gần 5 tỷ USD. Tuy nhiên khi chia ra cho từng chương trình lại khá nhỏ, do các vùng hỗ trợ nằm rải rác tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa, địa hình chia cắt, việc tổ chức triển khai thực hiện rất khó khăn. Bên cạnh đó, trình độ, năng lực nhận thức của đối tượng thụ hưởng còn hạn chế cũng là một khó khăn lớn cho quá trình triển khai.

Tại buổi lễ, các đại biểu đã cùng chia sẻ, bàn luận về các bài học, khó khăn từ chính tổ chức, HTX, địa phương mình và giải pháp sáng tạo nhằm tăng tốc phát triển kinh tế-xã hội và giảm nghèo đa chiều trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt phụ nữ dân tộc thiểu số từ các tỉnh Bắc Kạn, Đắk Nông, Lào Cai và Sơn La đã chia sẻ các bài học về cách phát huy nội lực của phụ nữ dân tộc thiểu số, cách tạo ra các giải pháp sáng tạo giúp họ thoát nghèo.

Phiên thảo luận buổi chiều cùng ngày “Diễn đàn Phát triển thích ứng Covid-19” đã diễn ra trong không khí sôi nổi nhưng cũng vô cùng gần gũi, thân tình với chia sẻ của các đại biểu từ Bắc Kạn và Đắk Nông.

Hợp phần 1 của dự án trong khuôn khổ chương trình của UNDP kết hợp với Văn phòng Nông thôn mới, đã thông qua Vietpost chuyển tiền tới các đối tượng hưởng lợi bằng hình thức e-money.

Kết quả dự án đã hỗ trợ 3 tỷ 200 triệu đồng cho 700 hộ dân ở Bắc Kạn và 700 hộ tại Đắk Nông, trong đó đã có 4 buổi tập huấn nâng cao năng lực cho các HTX; 1 phiên đối thoại và một Phiên chợ kết nối thị trường tại Ecopark.

Bà Nguyễn Thị Thu – Phó chánh văn phòng điều phối chương trình nông thôn mới của tỉnh Bắc Kạn phát biểu tại buổi lễ

Về phía tỉnh Bắc Kạn, bà Nguyễn Thị Thu – Phó chánh văn phòng điều phối chương trình nông thôn mới của tỉnh chia sẻ: dù mới thực hiện trong 4 tháng, các bên đã phối hợp và nỗ lực triển khai dự án để số tiền hỗ trợ đến được với đúng đối tượng và nhanh gọn nhất. Địa phương được tự đưa ra quy trình thực hiện, danh sách từ mỗi thôn sẽ được gửi lên xã, lên huyện và tiến hành niêm yết công khai, sau khi được đồng thuận mới gửi cho dự án bắt đầu triển khai. 

Bà Lương Thị Lê Na – Đại diện Sở Lao động và Thương binh xã hội tỉnh Đắk Nông phát biểu tại buổi lễ

Theo Bà Lương Thị Lê Na – Đại diện Sở Lao động và Thương binh xã hội tỉnh Đắk Nông, quy trình tại Đắk Nông khá giống với Bắc Kạn. Khó khăn lớn tại đại phương là lượng dân di cư quá lớn, phần lớn đối tượng là phụ nữ mất việc làm do covid-19 và không có đầy đủ giấy tờ tùy thân như CMTND. 

Qua khảo sát, phản ứng của người dân nhận được hỗ trợ từ dự án đều vô cùng phấn khởi và vui mừng. Khoản tiền 2 triệu 300 nghìn đồng cho mỗi gia đình tuy không lớn nhưng đối với các hộ yếu thế là một sự giúp đỡ vô cùng ý nghĩa, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến sinh kế người dân tộc thiểu số tại các xã vùng sâu vùng xa. Dự án này đã giúp đỡ cho rất nhiều hộ yếu thế nhưng lại không đủ điều kiện nhận tiền từ gói hỗ trợ 1000 tỷ của Chính Phủ. 

Ông Trần Chí Trung – Trưởng ban Dịch vụ Tài chính Bưu chính VNPost

Anh Trung – Tổng công ty bưu điện Việt Nam chia sẻ: VNPost đã trực tiếp tham gia vào chi trả nguồn hỗ trợ cho từng người dân tại hai địa phương. Đối với các đối tượng có đầy đủ giấy tờ tùy thân sẽ được lập tài khoản M&E để nhận tiền, còn với các trường hợp không có CMT sẽ được nhận trực tiếp. 

Chia sẻ về hợp phần hai giúp đỡ các HTX tại hai địa phương nâng cao năng lực và phát triển kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, bà Nguyễn Thị Thu- Phó chánh văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Bắc Kạn nói: Dự án đã triển khai các lớp tập huấn cho các tổ nhóm. Các chuyên gia đã đến địa bàn tư vấn giúp bà con giải quyết được những vấn đề, khó khăn mà bà con đang gặp phải, đó là: (1) Kết hợp giữa sản xuất và bán hàng. (2) Tạo nên khối đoàn kết, gắn kết các HTX trong cùng một cộng đồng, giúp phát huy nội lực cho bà con, thay đổi tư duy, thay đổi cách nhìn, gắn kết các HTX lại với nhau. 

Chị Nguyễn Thị Thanh Vân – Phó Giám Đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát Triển Xanh (GreenHub)

Chị Nguyễn Thị Thanh Vân- Phó Giám Đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát Triển Xanh (GreenHub) – chủ trì phiên thảo luận đã chia sẻ về kết quả của dự án: Chương trình đã gặt hái được những thành công nhất định: (1) Hỗ trợ HTX lập kế hoạch kinh doanh ứng phó với đại dịch Covid-19; (2) Nâng cao năng lực kinh doanh cho các HTX; (3) Xây dựng không gian cho bà con chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm trong kinh doanh. Giúp cho sợi dây liên hệ giữa con người trở nên bền chặt, giúp tìm ra những giải pháp để giải quyết cho những khó khăn trăn trở mà các bà con đang gặp phải.

Sự kiện này đã đánh dấu một thành công lớn trong nỗ lực chung của Chính phủ, các tổ chức và địa phương trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc và đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau.