Hội thảo Giới thiệu Dự án Hỗ trợ Doanh nghiệp kinh doanh tạo tác động xã hội – EFD 2, Mô hình Quản lý chất lượng có sự tham gia (PGS) và Truy xuất nguồn gốc trong chuỗi giá trị nông nghiệp

Diễn ra chiều ngày 9/11/2019 tại Văn phòng Điều phối Xây dựng Nông thôn mới và Giảm nghèo tỉnh Bắc Kạn, Hội thảo đã giới thiệu dự án Hỗ trợ Doanh nghiệp kinh doanh tạo tác động xã hội – EFD 2 và mô hình Quản lý chất lượng có sự tham gia (PGS)* tới đại diện các Doanh nghiệp và các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn Bắc Kạn. 

Mở đầu Hội thảo, đại diện các doanh nghiêp và hợp tác xã nông sản tại Bắc Kạn chia sẻ những khó khăn, trăn trở trong quy trình quản lý chất lượng nông sản và tính minh bạch thông tin tới người tiêu dùng với các sản phẩm của mình và những bài học, kỳ vọng cải thiện quản lý chất lượng tại doanh nghiệp. Hiểu rõ được những mong muốn của doanh nghiệp khi tới tham dự hội thảo, chị Mai – đại diện Doanh nghiệp Vinh Hà – doanh nghiệp được nhận hỗ trợ của dự án EFD trong triển khai Hệ thống đảm bảo chất lượng có sự tham gia (PGS) – đã chia sẻ câu chuyện thực tế trong quá trình áp dụng PGS vào quản lý chất lượng nông sản tại Doanh nghiệp.

Đại diện các Doanh nghiệp và HTX thảo luận, chia sẻ những khó khăn, bài học kinh nghiệm trong quản lý chất lượng nông sản
Chị Mai – Đại diện Doanh nghiệp Vinh Hà chia sẻ những khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai Hệ thống đảm bảo chất lượng có sự tham gia (PGS)

Tiếp nối Hội thảo, TS. Trần Thị Thanh Bình giới thiệu Hệ thống đảm bảo chất lượng có sự tham gia (PGS) trong chuỗi giá trị nông nghiệp, cung cấp đầy đủ thông tin về PGS như bối cảnh ra đời, lợi ích và thách thức khi triển khai. TS.Bình cũng giải đáp những thắc mắc của các doanh nghiệp, HTX về những tiêu chí phù hợp trong việc áp dụng mô hình PGS tại đơn vị của mình. 

TS. Trần Thị Thanh Bình chia sẻ về Hệ thống đảm bảo chất lượng có sự tham gia (PGS)

Để việc áp dụng PGS trong quản lý chất lượng nông sản hoạt động trọn vẹn và hiệu quả, công cụ xác thực số (IGS) là giải pháp công nghệ hỗ trợ đắc lực. IGS giúp tiết kiệm thời gian và nhân lực so với phương pháp thủ công với độ chính xác cao và khả năng cập nhật thông tin tức thời. IGS đồng thời là công cụ kết nối các bên liên quan trong chuỗi giá trị và hỗ trợ truyền thông. Nhằm giúp các đại diện Doanh nghiệp và HTX có cái nhìn rõ ràng hơn về giải pháp công nghệ này, Chuyên gia Nguyễn Công Trí đã có những chia sẻ chân thực và rõ ràng về cơ chế hoạt động, các tính năng của công cụ IGS trong quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc tại hội thảo.

Chuyên gia Nguyễn Công Trí chia sẻ về cơ chế hoạt động, các tính năng của công cụ IGS trong quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc

Kết thúc Hội thảo, các đại diện của Doanh nghiệp và HTX chia sẻ mong muốn được hỗ trợ áp dụng hệ thống PGS tại doanh nghiệp và HTX của mình để nâng cao tính minh bạch thông tin, tạo dựng lòng tin với người tiêu dùng cũng như gia tăng tính đoàn kết, hợp lực, phát huy nội lực của cộng đồng.

Hội thảo đã giới thiệu dự án EFD và hệ thống PGS tới đại diện các Doanh nghiệp, HTX nông sản trên địa bàn Bắc Kạn

* PGS là Hệ thống đảm bảo chất lượng có sự tham gia của các tổ chức và con người trực tiếp tham gia vào chuỗi cung ứng bao gồm Nhà sản xuất (Nông dân), Nhà phân phối, Người bán hàng, Người tiêu dùng và Các bên khác cùng quan tâm. PGS là hệ thống có thể áp dụng linh hoạt với các điều kiện thực tế khác nhau của từng địa phương (cộng đồng, địa lý, chính trị, môi trường,…). 

Tìm hiểu kỹ hơn về hệ thống PGS tại đây.