Hội thảo Giám sát Rác thải biển áp dụng khoa học Công dân

Vừa qua, vào ngày 29/09/2021, Hội thảo Chuyên đề “Chia sẻ Phương pháp khảo sát, Giám sát rác thải nhựa áp dụng Khoa học công dân” đã được tổ chức nhằm kết nối giữa các bên có mối quan tâm chung tới Giám sát rác thải (GSRT), chia sẻ các phương pháp khảo sát, giám sát rác thải nhựa (GSRTN) áp dụng khoa học công dân đang thực hành tại Việt Nam, đồng thời cùng tham gia thảo luận thống nhất phương pháp khảo sát rác thải nhựa tại sông, biển và đất liền (khu vực dân cư) áp dụng khoa học công dân. Hội thảo được bảo trợ chuyên môn bởi Mạng lưới Nhựa & Sức khỏe (Plastic Health Action Partnership), nằm trong khuôn khổ dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương” (LSPP), tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và thực hiện bởi Trung tâm Hỗ trợ phát triển Xanh (GreenHub) cùng 03 đối tác (ISPONRE, HUPH-VOHUN, GIMASYS)

Ô nhiễm nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia phải đối mặt. Việc sử dụng các sản phẩm nhựa, đặc biệt là các sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường và hệ sinh thái nước ta, đặc biệt là đối với tài nguyên biển. Chia sẻ về các dự án GSRT mà GreenHub đã thực hiện trong giai đoạn gần đây, chị Hà Ngân Hà – Điều phối viên Quan hệ Đối tác của GreenHub cho biết: “Thu thập được những số liệu chi tiết để có thể thực hiện những giải pháp phù hợp, đưa ra những vận động chính sách dựa trên số liệu khoa học, đó là một trong những nguyên nhân GreenHub quyết định thực hành các chương trình GSRTN.” 

Tham gia buổi hội thảo còn có sự góp mặt của các diễn giả hoạt động tích cực trong công tác xây dựng – bảo vệ môi trường: Anh Bùi Lê Thanh Khiết – Chuyên gia – Trưởng nhóm Kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa (ICED) và anh Lê Anh Đức – Quản lý dự án Keep Hanoi Clean (KHC). 

Chia sẻ về dự án GSRT ở sông và biển tại Cần Giờ, anh Khiết đưa ra những tóm tắt cơ bản liên quan đến các bước thực hiện quy trình khảo sát, bao gồm: Chọn vị trí khảo sát (Xác định đoạn khảo sát 100m); Ghi nhận các điều kiện (Ghi nhận thông tin vị trí khảo sát); Tiến hành khảo sát (Trong phạm vi khảo sát ghi nhận rác biển có kích thước >2,5 cm); Nhập số liệu (Nhập lại số liệu đã thu thập được) và tiến hành lặp lại khảo sát. Anh cũng chia sẻ thêm về nghiệm thu của dự án: “Kết quả chúng tôi ghi nhận được cũng khá tương đồng với các nghiên cứu khác trên thế giới: Rác thải nhựa chiếm tỉ lệ rất lớn, chiếm đến 75% số lượng rác thải thu nhận được, có thời điểm còn chiếm đến 96% […] Trong phân khúc rác thải nhựa, thì rác thải nhựa dùng một lần chiếm đa số.” 

Bày tỏ quan điểm của bản thân trong buổi hội thảo, anh Đức cũng chia sẻ mục tiêu về dự án Đánh giá hiện trạng môi trường thành phố (HANPECA) của KHC: “ Thứ nhất, chúng tôi sẽ xây dựng một mạng lưới các đội hoạt động môi trường ở 579 phường, xã, đồng thời tiến hành đánh giá và thu thập dữ liệu. Thứ hai, từ những dữ liệu được thu thập có hệ thống, chúng tôi sẽ cùng các chuyên gia tạo được các đường cơ sở và xác định những điểm nóng ô nhiễm. Cuối cùng, chúng tôi sẽ hỗ trợ các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực quản lý môi trường.”  

Ở phần cuối của chương trình hội thảo, các diễn giả và khách mời tham dự cùng nhau thảo luận về lựa chọn các phương pháp GSRT áp dụng tại Việt Nam. Liên quan đến việc xử lý các số liệu giám sát thu thập được sau các dự án, chị Nguyễn Thị Thu Trang – Phó giám đốc GreenHub cho biết: “Đây là một quan tâm rất chính đáng, vì kết quả của mình mà không vận động được các cơ quan chính phủ sử dụng thì sẽ rất khó. Đối với hầu hết các chương trình liên quan đến giám sát thì GreenHub đều đồng hành với các đối tác là cơ quan quản lý ở địa phương, ví dụ như là Sở Tài nguyên Môi trường, trong đó có Chi cục biển đảo hoặc Chi cục bảo vệ môi trường, phụ thuộc vào từng địa phương. Cơ quan quản lý sẽ là đơn vị lựa chọn địa điểm, và sau khi khảo sát xong, các số liệu thống kê sẽ được báo lại cho cơ quan quản lý. GreenHub có tập huấn, hướng dẫn về phương pháp, quá trình thực hiện được lồng ghép vào địa phương. Một điểm nữa là khi xây dựng hướng dẫn thì GreenHub cùng với IUCN có tổ chức tham vấn ở cấp trung ương liên quan đến Tổng cục biển và hải đảo, một trong những phương pháp GSRT ở bãi biển đã được đưa vào Thông tư hướng dẫn kỹ thuật.”