GreenHub và UBND quận Cái Răng tìm biện pháp duy trì hiệu quả Dự án Vì sông Mê Kông không rác

Những ngày đầu tháng 3, Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh GreenHub đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND Quận Cái Răng và Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố Cần Thơ về quá trình thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn tại các chợ nổi ở thành phố Cần Thơ.

Mô hình kinh tế tuần hoàn tại các chợ nổi ở thành phố Cần Thơ là một phần của Dự án “Vì sông Mê Kông không rác” do GreenHub chủ trì và phối hợp thực hiên bởi Trung tâm nghiên cứu tài nguyên và phát triển nông thôn (RECERD). Đây là một sáng kiến tập trung vào quản lý rác thải trên sông tại Cần Thơ, với mục đích thí điểm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, tập trung biến rác thải trở thành nguồn tài nguyên, thúc đẩy người dân thu gom, phân loại, tái sử dụng và tái chế rác thải, nhằm tối đa hóa thời gian sử dụng sản phẩm, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường.

Khởi động từ tháng 5 năm 2022, dự án đã tổ chức một tập huấn về thu gom rác thải cho 40 thương hồ ở khu vực chợ nổi, hỗ trợ 27 hộ dân thực hiện thí điểm sản xuất nước rửa tay sinh học, tặng 97 thùng rác cho các hộ dân sinh sống ven sông và trên các con thuyền buôn bán. Dự án còn tập trung hỗ trợ mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý rác hàng ngày ở khu chợ nổi. Nhờ dự án, rác thải từ các bè nổi trên chợ nổi Cái Răng đã được thu gom hàng ngày. Tính tới nay, tổng lượng rác thu gom khoảng 6,5 tấn. Để đáp ứng nhu cầu thực tế, mô hình này đã tiếp tục mở rộng đối tượng thu gom đến các thuyền buôn trên chợ nổi.

Ngoài ra, dự án còn đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và phân loại, thu gom rác thải, tạo chuyển biến tích cực về hành vi trong việc phân loại và thu gom rác thải trên sông của người dân.

Tại buổi làm việc, các bên cũng tích cực thảo luận các biện pháp để duy trì hoạt động này, nghiên cứu mô hình điểm trung chuyển chứa rác thải để giảm chi phí thu gom hàng ngày.

—-

Dự án do Công ty TNHH Dow Chemical Vietnam (Dow Việt Nam) tài trợ và được thực hiện bởi Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) và Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Phát triển Nông thôn (RECERD) với sự hỗ trợ và đồng hành của Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Cần Thơ, Sở Tài Nguyên và Môi Trường Thành phố Cần Thơ.